Xã hội Đà_Lạt

Y tế

Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ, bệnh viện tư đầu tiên của thành phố Đà Lạt, bắt đầu hoạt động từ năm 2008.

Vào thời kỳ mới thành lập, ở Đà Lạt chỉ có một trạm cứu thương lưu động, đến năm 1921 thành phố mới có được trạm xá đầu tiên. Năm 1922, Bệnh viện Đà Lạt được người Pháp khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1938.[121] Cũng trong thời kỳ này, Viện Pasteur Đà Lạt được khánh thành vào ngày 1 tháng 1 năm 1936, là đơn vị cuối cùng trong hệ thống các viện PasteurĐông Dương.[121] Thời Việt Nam Cộng hòa, Bệnh viện Đà Lạt được phát triển thành Trung tâm Y tế toàn khoa thuộc Bộ Y tế.[122] Sau năm 1975, trung tâm này được đổi lại thành Bệnh viện Đà Lạt, tiếp đó trở thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khi tỉnh Lâm Đồng được thành lập.[123] Bệnh viện Y học cổ truyền được thành lập trên đường Cô Bắc năm 1986, tới năm 1993 đổi tên thành Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch. Năm 1990, với sự giúp đỡ của Làng Hòa Bình Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức, thành phố có được một Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em dị tật. Cơ sở y tế này sau đó được sáp nhập với Viện Điều dưỡng, vốn được thành lập năm 1988, trở thành Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng.[123]

Ngày nay, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng là ba bệnh viện tuyến tỉnh tại Đà Lạt, với tổng cộng 630 giường bệnh.[124] Cuối năm 2008, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt tọa lạc trên đồi Long Thọ, thuộc Phường 10, bắt đầu hoạt động. Đây là bệnh viện tư đầu tiên của Đà Lạt và vùng nam Tây Nguyên với diện tích sàn sử dụng 30.000 mét vuông và 200 giường bệnh.[125] Năm 2010, Bệnh viện Nhi Đà Lạt bắt đầu được xây dựng trên đồi thông thuộc khu Thánh Mẫu - Tô Hiệu thuộc Phường 8. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013, Bệnh viện Nhi Đà Lạt có quy mô 150 giường bệnh, sẽ là bệnh viện nhi đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.[126] Bên cạnh các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố cũng có một mạng lưới y tế riêng bao gồm các cơ sở như Nhà hộ sinh Thành phố, Văn phòng Trung tâm Y tế, các phòng khám đa khoa khu vực... cùng các trạm y tế thuộc phường, xã.[124] Những tổ chức hội y tế, gồm Hội Y Dược học, Hội Y học cổ truyền và Hội Chữ thập đỏ, cũng tham gia vào các hoạt động y tế ở thành phố.[127] Theo số liệu thống kê năm 2011, thành phố Đà Lạt có 195 bác sĩ, 146 y sĩ và kỹ thuật viên, 285 y tá và 1.085 giường bệnh.[128][129]

Giáo dục

Trường Dân tộc nội trú, trước đây là Trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ thục nổi tiếng.

Sau khi triều đình Huế thông báo dụ thành lập thị tứ Đà Lạt vào năm 1916, dân cư Đà Lạt và vùng lân cận dần tăng lên, hệ thống giáo dục ở đây bắt đầu hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của thành phố. Trường học đầu tiên ở Đà Lạt là trường École française, khai giảng vào ngày 20 tháng 12 năm 1919, chỉ dành riêng cho các học sinh người Pháp. Cuối thập niên 1920, những công chức người Pháp tới Đà Lạt ngày một đông, thành phố có thêm hai ngôi trường Pháp mới, Petit Lycée và Grand Lycée.[130] Trường Grand Lycée được khởi công xây dựng vào năm 1929 và khai giảng năm 1933, dành cho con em người Pháp và các quan lại người Việt. Đến năm 1935, trường khánh thành và mang tên Trung học Yersin, tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày nay.[131] Ngôi trường dành cho học sinh Việt Nam đầu tiên là một trường tư được thành lập năm 1927.[130] Năm 1928, ngôi trường công dành cho học sinh Việt mang tên École communale de Dalat, ngày nay là trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, khai giảng khóa đầu tiên. Năm 1934, Trường Couvent des Oiseaux và năm 1939, Trường Thiếu sinh quân Đà Lạt lần lượt được ra đời.[131] Ở bậc giáo dục đại học, niên học 1944-1945, Chính phủ Pháp cho mở một lớp chuyên khoa toán đặt tại Trung học Yersin. Lớp học này có khoảng 40 sinh viên, chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1945, thời điểm Nhật đảo chính Pháp.[132] Thời kỳ 1945 đến 1954, ở Đà Lạt còn xuất hiện thêm hai ngôi trường mới, Trường Hành chính Quốc giaTrường Võ bị Liên quân Đà Lạt.[133] Sau năm 1954, dân số Đà Lạt tăng đột biến nhờ một lượng lớn di dân từ miền Bắc và miền Trung, nhiều ngôi trường mới tiếp tục ra đời. Năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt được thành lập, xuất phát từ một tổ chức tư thục do giáo hội Thiên Chúa giáo quản lý. Từ 49 sinh viên trong niên học đầu tiên 1958-1959, đến niên học 1974-1975, Viện Đại học Đà Lạt có khoảng 5.000 sinh viên theo học, bao gồm các trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học và Đại học Chính trị - Kinh doanh.[134] Thời điểm trước tháng 4 năm 1975, tại Đà Lạt có đến 61 ngôi trường, cả công lập và tư thục. Bên cạnh các trường phổ thông, đại học, ở đây còn có nhiều trường đào tạo quân sự và tôn giáo như Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh chính trị, Trường Chỉ huy và Tham mưu, Giáo hoàng học viện.[135]

Ngày nay, Đà Lạt vẫn là một trung tâm giáo dục của miền Nam Việt Nam. Năm 2011, ở bậc giáo dục tiểu học và phổ thông, toàn thành phố Đà Lạt có 44 trường,[136] 1.763 giáo viên[137] và 37.711 học sinh, trong đó 16.712 học sinh tiểu học, 12.311 học sinh trung học cơ sở và 8.688 học sinh trung học phổ thông.[138] Thành phố cũng có 25 trường,[139] 417 giáo viên[140] và 8.972 học sinh bậc mẫu giáo.[141] Tại Đà Lạt còn có thể thấy sự hiện diện của ba trường đại học, bốn trường cao đẳng cùng các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường giáo dục chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật... Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được thành lập năm 1976, đến năm 1992, trường hợp nhất với Trung học Sư phạm và Sư phạm Mầm non trở thành một trường sư phạm đa hệ. Do nhu cầu giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở giảm bớt nên quy mô đào tạo trường cũng thu hẹp lại, chỉ còn hơn 1.000 sinh viên chính quy.[142] Năm 1976, Trường Đại học Đà Lạt được thành lập trên cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt trước đó. Thời gian đầu, trường chỉ đào tạo cử nhân cho các ngành khoa học cơ bản với quy mô nhỏ, 250 sinh viên trong niên học 1977-1979.[143] Ngày nay, Đại học Đà Lạt trở thành một trường đại học đa ngành với 52 ngành nghề của các bậc đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học đến nghiên cứu sinh.[144] Năm 2011, Trường Đại học Đà Lạt có 22.665 sinh viên đang theo học ở tất cả các bậc đào tạo.[145] Từ năm 2004, thành phố Đà Lạt có thêm một trường đại học mới mang tên Alexandre Yersin. Hiện nay, Trường Đại học Dân lập Yersin Đà Lạt gồm 8 khoa, đào tạo 2.329 sinh viên trong năm 2011.[145] Đà Lạt vẫn tiếp tục là địa điểm của một đại học quân sự quan trọng. Sau tháng 4 năm 1975, các trường quân sự của Việt Nam Cộng hòa bị giải thể. Bộ Quốc phòng quyết định chuyển địa điểm của Học viện Quân sự từ Hà Nội vào Đà Lạt, tiếp nhận cơ sở từ các trường quân sự cũ. Học viện Lục quân ngày nay nằm ở phía đông bắc thành phố, là nơi đào tạo sĩ quan trung cao cấp cho Quân đội Việt Nam, cũng là một cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự.[146] Bên cạnh các cơ sở giáo dục, ở Đà Lạt còn có sự hiện diện của nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học quan trọng, như Viện Sinh học Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hay Viện Pasteur Đà Lạt.

Các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tại Đà Lạt
Tên trườngThành lậpCơ sở tiền thânĐịa chỉ
Trường Đại học Đà Lạt1957Viện Đại học Đà Lạt01 Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8
Trường Đại học Dân lập Yersin Đà Lạt200401 Tôn Thất Tùng, Phường 8
Học viện Lục quân Đà Lạt1946Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt02 Lữ Gia, Phường 9
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt1976Trường Trung học Yersin29 Yersin, Phường 10
Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt2007Trường Kỹ thuật Đà Lạt01 Hoàng Văn Thụ, Phường 4
Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng2000Trường Kỹ thuật Lasan25 Trần Phú, Phường 4
Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng2009Trung học Y tế Lâm Đồng6B Ngô Quyền, Phường 6
Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt2006Trung cấp Du lịch Đà lạtKm số 5, Đường Cam Ly, Phường 7

Tôn giáo và tín ngưỡng

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt, còn được gọi Nhà thờ Con Gà, khánh thành năm 1942.

Do những đặc điểm trong quá trình hình thành cộng đồng dân cư, đời sống tín ngưỡngtôn giáo ở Đà Lạt rất đa dạng.[147] Trên thành phố ngày nay có thể thấy sự hiện diện của 43 nhà thờ, tu viện Công giáo hay Tin Lành, 55 ngôi chùa và tịnh xá Phật giáo, 3 thánh thất Cao Đài cùng rất nhiều những ngôi đình làng nằm rải rác.[148] Phần lớn cư dân Đà Lạt hiện nay là những người Việt đến từ nhiều vùng miền, vì thế có thể bắt gặp ở đây tất cả những hình thái tín ngưỡng phổ biến của người Việt như tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng Thành hoàng, tục thờ Mẫu, tục thờ gia thần...[149] Nhưng điểm làm nên sự khác biệt giữa đời sống tín ngưỡng ở Đà Lạt với các vùng khác như miền Bắcmiền Trung chính là tuổi đời mới chỉ một thế kỷ của thành phố. Đà Lạt không có những ngôi từ đường cổ kính, các thôn làng ở đây không có những gốc tích xa xưa, những ngôi đình làng tuy xuất hiện dày đặc nhưng phần lớn đều mới được dựng lên cách đây chỉ 3, 4 thập kỷ và mang quy mô nhỏ.[150] Ở nhiều ngôi đình, trên bàn thờ chính chỉ có một chữ "Thần" bằng chữ Hán và những người tham gia tế lễ cũng không biết danh tính, công đức của vị thánh mà mình thờ phụng. Đặc biệt, trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng, những người có công mở làng lập ấp lại không được coi là Thành hoàng làng.[151] Bên cạnh đó, đời sống tâm linh tại Đà Lạt còn có sự góp mặt của những hình thái tín ngưỡng dân gian thuộc các dân tộc thiểu số và cộng đồng người Hoa.[149]

Hầu hết các tôn giáo lớn ở Việt Nam đều có mặt tại Đà Lạt, trong đó đạo Phật là tôn giáo có lượng tín đồ đông đảo nhất, tiếp đến là Công giáo, đạo Cao Đàiđạo Tin Lành.[148] Các tôn giáo du nhập vào vùng cao nguyên Lâm Viên từ khá sớm và sự tăng trưởng về số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Hầu như mỗi cuộc di dân đến đây đều đem lại cho Đà Lạt thêm một số lượng tín đồ cùng sự hình thành các cơ sở thờ tự mới. Có mặt sớm nhất ở Đà Lạt là Công giáo, xuất hiện ngay từ những ngày đầu xây dựng thành phố. Muộn hơn một chút là sự hoằng dương của Phật giáo rồi đến sự du nhập của đạo Tin Lành và đạo Cao Đài.[148] Tuy hội đủ các loại hình tôn giáo khác nhau, nhưng các tôn giáo ở Đà Lạt chung sống hòa bình, trong gần 100 năm qua không hề có những xung đột tôn giáo.[147] Nhiều thánh đường Công giáo nằm bên các chùa chiền và không xa có thể là một thánh thất Cao Đài.[152] Bên cạnh xứ mệnh mở mang tôn giáo, những người tu hành của Thiên Chúa giáo, Tin Lành và Phật giáo ở Đà Lạt còn tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Rất nhiều những ngôi trường, cô nhi viện của thành phố xuất phát từ các cơ sở do những tổ chức tôn giáo thành lập. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt vào năm 2002, có khoảng 63% số hộ và 67% số nhân khẩu ở thành phố là tín đồ của Phật giáo, Cao Đài, Công giáo, hoặc Tin Lành.[152]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đà_Lạt http://www.britannica.com/EBchecked/topic/149338 http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb125072414 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb125072414 http://id.loc.gov/authorities/names/n91076786 http://d-nb.info/gnd/7618636-2 http://web.archive.org/web/20100322225138/http://w... http://web.archive.org/web/20101213103626/http://t... http://web.archive.org/web/20101220024136/http://d... http://web.archive.org/web/20101220120035/http://d...